Các diễn giả chia sẻ tại buổi Tọa đàm "Khuyến học trong gia đình"
Chương trình “Ngày hội văn hóa gia đình” được thực hiện nhằm tôn vinh những giá trị tốt đẹp của gia đình, gìn giữ và phát huy những ý nghĩa văn hóa, tinh thần đậm nét truyền thống Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các gia đình giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc giáo dục con cái và quản trị gia đình yên ấm, hạnh phúc.
Với 3 tọa đàm chuyên đề "Khuyến học trong gia đình", "Quản trị gia đình - Phương thức bảo toàn, phát huy và chuyển giao gia sản con người, trí tuệ qua các thế hệ" và "Phương pháp giáo dục nhằm phát huy trí tuệ ở trẻ em", các diễn giả đã cung cấp những thông tin hữu ích cho các bậc phụ huynh trong hành trình xây dựng và vun đắp gia đình hiện đại.
Các diễn giả chia sẻ tại Tọa đàm: Phương pháp giáo dục nhằm phát huy trí tuệ ở trẻ em
Tại sự kiện, TS Vũ Dương Thúy Ngà, nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VH-TT&DL khẳng định, văn hóa đọc chính là một thành tố cơ bản để xây dựng và phát triển văn hóa gia đình. Theo bà: “gia đình là nhà trường đầu tiên và những cuốn sách chính là người thầy, người bạn song hành cùng mỗi gia đình, giúp mỗi thành viên tìm ra định hướng để thành công trong cuộc sống”.
Nói về các khái niệm xoay quanh gia đình, ông Vũ Trọng Đại - dịch giả cho rằng xưa nay chúng ta vẫn quan niệm gia đình là hạt nhân, là tế bào cơ bản của xã hội, tuy nhiên những hành động để thúc đẩy nhận thức về tầm quan trọng của gia đình về mọi mặt trong cuộc sống lại chưa được thực hiện nhiều. Bên cạnh đó, khi nói về gia đình Việt Nam, chúng ta chưa đề cập sâu đến vấn đề làm thế nào để xây dựng gia đình hiệu quả, phát huy được tính bền vững của nó.
Diễn giả Tô Chính Nghĩa - chuyên gia tư vấn quản trị chiến lược doanh nghiệp chia sẻ trong quá trình tư vấn cho các cha mẹ làm việc trong các doanh nghiệp, ông nhận thấy các cha mẹ rất muốn chuyển giao tài sản, trí tuệ cho con cái nhưng chưa biết phương thức để thực hiện. Và cuốn sách “Thịnh vượng gia tộc” chính là cẩm nang để hướng dẫn các gia đình thực hiện mong muốn đó. Cuốn sách trình bày chi tiết về 6 loại "gia sản": Vốn con người, vốn di sản, vốn quan hệ gia đình, vốn cấu trúc, vốn xã hội, vốn tài chính.
Các diễn giả mang đến kinh nghiệm "Quản trị gia đình - Phương thức bảo toàn, phát huy và chuyển giao gia sản con người, trí tuệ qua các thế hệ"
Từ việc phân loại và xác định rõ các loại vốn gia sản đã nêu, ông Tô Chính Nghĩa cho rằng, ưu tiên số 1 vẫn là các thành viên trong gia đình. Ông nhấn mạnh cha mẹ nên phát hiện sớm năng khiếu của con để định hướng và đầu tư cho tương lai của con. Khi mỗi thành viên trong gia đình tìm được niềm đam mê và nhận được sự hậu thuẫn, hỗ trợ để thực hiện đam mê đó, tương lai của con sẽ được mở rộng, và gia đình sẽ nhận được nhiều giá trị tích cực.
Chị Phan Hồ Điệp - Nhà nghiên cứu giáo dục, mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam, chia sẻ: “Tôi rất thích những bộ sách như Nuôi Dưỡng Tâm Hồn, thật sự chạm tới tâm hồn của những đứa trẻ. Tôi tin rằng mỗi một con người khi được sinh ra và lớn lên, phần thể xác cần nuôi dưỡng, nhưng phần tâm hồn thường hay bị bỏ quên và mong được nuôi dưỡng. Và đó là con đường giáo dục mà tôi đang đi. Tôi tin rằng bất kỳ một đứa trẻ nào khi được phát triển trí thông minh cảm xúc thì sẽ đạt được đến mức cuối cùng là mong muốn của rất nhiều người đó chính là cảm nhận được hạnh phúc. Cảm xúc sẽ giúp đứa trẻ: Biết cách ra quyết định; biết cách quản lý cảm xúc; biết cách kết nối và giao tiếp với mọi người; biết đồng cảm và biết ơn. Đây là những nội dung được thể hiện trong bộ sách Nuôi Dưỡng Tâm Hồn.
Ngày hội cũng mang đến những trò chơi lý thú cho các em nhỏ
Không chỉ là nơi lắng nghe những chia sẻ có giá trị xoay quanh các cuốn sách về gia đình, phương pháp nuôi dạy con đọc sách và xây dựng gia đình hạnh phúc; chương trình “Ngày hội Văn hóa gia đình” còn là nơi các độc giả có thể tham quan, trải nghiệm mua sắm những cuốn sách của TIMES và Pumabooks với nhiều tựa sách hay, bổ ích dành cho mọi lứa tuổi trong hội sách diễn ra suốt cả ngày.
"Đọc siêu nhanh" là cuốn sách giải thích về phương pháp đọc bằng não phải thông qua các kỹ thuật đọc của phương pháp Shichida dựa trên những kinh nghiệm thực tiễn, mục đích là giúp bạn thay đổi thói quen ưu tiên sử dụng não trái sang sử dụng não phải dựa trên việc thay đổi phương thức đọc sách.
Cuốn sách cũng khẳng định mọi người đều có thể phát triển não phải, chứ không chỉ riêng thiên tài và tiến tới nền văn minh hoàn toàn khác bằng cách nâng cấp bộ não con người lên cấp bậc cao hơn.
"Siêu não phải" là cuốn sách minh chứng tính hiệu quả của phương pháp giáo dục siêu não phải mà các lớp học theo phương pháp Shichida áp dụng đang được triển khai tại 18 quốc gia và khu vực trên toàn thế giới. Cuốn sách sẽ cho thấy tầm quan trọng của việc áp dụng phương pháp giáo dục não phải để phát huy khả năng ghi nhớ, khả năng tính toán, khả năng đọc nhanh, học ngôn ngữ…
Chương trình “Ngày hội Văn hóa gia đình” là một sự kiện ý nghĩa và bổ ích, góp phần củng cố giá trị gia đình và lan tỏa tri thức đến cộng đồng.